Lượt xem: 603

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách tích cực hỗ trợ nhà vườn sản xuất an toàn và hiệu quả

Huyện Kế Sách có hơn 20 km tiếp giáp sông Hậu đã hình thành nên điều kiện tự nhiên về địa hình, thổ nhưỡng, thủy văn thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung, cây ăn trái nói riêng. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi, đê bao ngày càng được xây dựng hoàn chỉnh; nông dân có nhiều kinh nghiệm làm vườn đã giúp kinh tế vườn là thế mạnh của huyện và huyện Kế Sách trở thành vùng cây ăn trái trọng điểm của tỉnh (chiếm hơn 50% tổng diện tích cây ăn trái của cả tỉnh).

 


Quang cảnh lễ ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trái sầu riêng xuất khẩu

 

    Đến nay, huyện Kế Sách có diện trồng cây ăn trái đạt hơn 17.800 ha, gồm các loại cây như: Vú sữa, bưởi, xoài, sầu riêng, nhãn, chanh, mít. Thu nhập từ vườn cây ăn trái tuy cao hơn sản xuất lúa nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện. Theo đó, sản xuất cây ăn trái đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn xảy ra hàng năm; liên kết tiêu thụ còn hạn chế do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán; sản lượng, chất lượng và mẫu mã chưa ổn định. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Kế Sách nói riêng, tỉnh Sóc Trăng nói chung, chưa có cơ sở chế biến các sản phẩm từ trái cây. Do vậy, kinh tế vườn thiếu bền vững: Thất mùa được giá, trúng mùa rớt giá, dội chợ khi vào vụ thu hoạch rộ vẫn còn xảy ra.

    Để khắc phục tình trạng trên, trong nhiệm kỳ 2020-2025, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện tập trung hỗ trợ nhà vườn sản xuất an toàn và hiệu quả; tập trung vào 02 nội dung chính: Chủ động ứng phó xâm nhập mặn và tổ chức sản xuất cây ăn trái theo chuỗi liên kết, phát triển thương hiệu và kết nối tiêu thụ với các hợp tác xã (HTX) làm nòng cốt.

    Chủ động ứng phó hạn, mặn bảo vệ sản xuất cây ăn trái

    Để chủ động ứng phó hạn, mặn bảo vệ sản xuất cây ăn trái, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như sau:

    Trước khi xảy ra hạn mặn:

    Phân công nhân lực theo dõi thông tin dự tính, dự báo từ các cơ quan chuyên môn, cập nhật diễn biến xâm nhập mặn từ các trạm quan trắc chất lượng nước để thông báo kịp thời cho nông dân qua mọi phương tiện như thư điện tử, thông tin trên đài truyền thanh huyện, Facebook Kế Sách ngày mới, nhóm zalo thông tin mặn. Đầu mùa khô, phân công nhân viên kỹ thuật trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp cùng chính quyền xã, ấp kiểm tra hệ thống cống, bọng, đê bao; tu sửa kịp thời để chủ động giữ ngọt, ngăn mặn.

    Hướng dẫn nông dân cài đặt các ứng dụng theo dõi mặn theo thời gian thực từ các trạm quan trắc tự động như “Nguồn nước Cửu Long”, “Thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long”, “Mekong”.

    Hỗ trợ viết đo mặn, tranh thủ sự hỗ trợ máy đo mặn của Dự án hỗ trợ phát triển để trang bị cho các xã, thị trấn. Thành lập các nhóm đo mặn tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

    Khi hạn mặn xảy ra

    Củng cố, kích hoạt nhóm đo mặn, nhóm zalo về thông tin mặn hoạt động để cung cấp kịp thời diễn biến độ mặn ở các địa điểm đầu nguồn nước, nhằm giúp nông dân đưa ra quyết định lấy nước hoặc ngưng lấy nước. Tương tác trực tiếp để hướng dẫn, trả lời các thắc mắc liên quan đến ứng phó hạn mặn.

    Hướng dẫn kỹ thuật canh tác trong điều kiện hạn mặn ở từng giai đoạn sinh trưởng của các loại cây trồng chính theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

    Từ đầu nhiệm kỳ đến nay xâm nhập mặn diễn biến khó lường, cực đoan. Tuy nhiên, do thực hiện đồng bộ các giải pháp trên nên sản xuất nông nghiệp nói chung, cây ăn trái nói riêng được bảo vệ, thiệt hại do mặn không đáng kể.

    Sản xuất cây ăn trái theo chuỗi liên kết, phát triển thương hiệu và kết nối tiêu thụ

    Các nước nhập khẩu trái cây tươi và phân khúc chất lượng cao vừa yêu cầu sản lượng cung ứng ổn định, kích cỡ đồng đều, mẫu mã đẹp, vừa đòi hỏi chất lượng ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật. Để đạt được các tiêu chuẩn khắt khe nêu trên của bên mua, việc sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ chưa thể đáp ứng được. Do vậy, việc thành lập các tổ chức nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) tại các vùng cây ăn trái tập trung là điều kiện không thể thiếu. Theo đó, lấy hợp tác xã, tổ hợp tác làm nòng cốt để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết. Hợp tác xã, tổ hợp tác cũng là đầu mối tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như: Sản xuất theo quy trình VietGAP, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, đăng ký mã số vùng trồng, kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ.

    Hiện nay, trên địa bàn huyện Kế Sách có 25 hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực cây ăn trái đang hoạt động. Các vùng trồng cây ăn trái tập trung đều có hợp tác xã làm đầu mối trong tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ cây ăn trái; trong đó, có 8 HTX đã tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết đối với các loại cây như: Vú sữa, bưởi, xoài, nhãn, sầu riêng. Các HTX thực hiện một phần dịch vụ vật tư đầu vào, cây giống; tổ chức sản xuất (trồng, chăm sóc, thu hoạch); thu gom, phân loại và liên kết cung ứng cho phân khúc thị trường chất lượng cao trong nước và xuất khẩu.

    Đến nay, có 6 loại trái cây là sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm vú sữa, bưởi, thanh nhãn đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu; xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Có 8 HTX được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP cho các loại cây gồm: Nhãn, bưởi, xoài, vú sữa, sầu riêng, cam với diện tích 229,17 ha. Đồng thời, có 8 HTX được cấp nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc đối với các loại trái cây chủ lực. Được cấp 42 mã số vùng trồng với diện tích 378 ha/391 hộ của 14 HTX.

    Kết quả cung ứng trái cây xuất khẩu

    Đối với chuỗi vú sữa: Đến nay đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các HTX với các Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vina T&T, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Ánh Dương Sao, Công ty Phúc Phước Vinh, Công ty Song Nguyên, Công ty Quế lâm. Lũy kế đến nay sản lượng cung ứng xuất khẩu là 529 tấn; giá bán tại vườn cho các công ty xuất khẩu là 30.000 - 45.000 đ/kg cao hơn thị trường từ 16.000 - 18.000 đồng/kg.

    Sản phẩm bưởi: Hình thành chuỗi liên kết giữa Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, Công ty Đại Lâm Mộc, Ánh Dương Sao với HTX bưởi Thành Công thu mua xuất khẩu được 63 tấn. Phân khúc thị trường chất lượng cao trong nước HTX Bưởi Thành Công liên kết với Công ty Vinagreenco tiêu thụ bưởi hơn 1.000 tấn/năm, vú sữa 50 tấn/năm.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, việc sản xuất cây ăn trái của huyện còn gặp một số khó khăn như: Địa bàn rộng, việc theo dõi mặn đôi khi chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình huống khẩn cấp, diễn biến bất thường. Các chuỗi liên kết sản xuất lĩnh vực cây ăn trái có diện tích và sản lượng chưa lớn; sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ; khâu sơ chế, chế biến chưa đáng kể nên vẫn còn tình trạng được mùa mất giá, vào chính vụ giá giảm thấp, chưa có sản phẩm chế biến để gia tăng giá trị của chuỗi. Khâu cung ứng vật tư đầu vào chiếm tỷ lệ còn thấp. Diện tích trái vụ, rải vụ chưa đáng kể, nhất là đối với cây cho trái theo mùa (vú sữa, sầu riêng). Năng lực quản lý, điều hành của hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập hiện nay.

    Giải pháp để thực hiện tốt sản xuất cây ăn trái trong thời gian tới:

    Đối với công tác ứng phó hạn, mặn: Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống hạn mặn của người dân để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả. Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại di động như: Phòng chống thiên tai, Mekong, Nguồn nước Cửu Long, Thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long trong công tác dự báo, cánh báo, thông tin mặn, hạn trên địa bàn. Khai thác, ứng dụng công nghệ như 04 trạm quan trắc tự động đặt tại Rạch Mọp, thị trấn Kế Sách, Rạch Vọp, Cái Trâm; nhóm zalo thông tin mặn của huyện; nhóm zalo thông tin mặn của các xã, thị trấn để theo dõi, truyền tin diễn biến mặn kịp thời đến người dân.

    Đối với công tác liên kết tiêu thụ trái cây:  Ngành chức năng của huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn hỗ trợ HTX chủ động giới thiệu, bán hàng trên môi trường số như: Trang web OCOP, kết nối nông sản (báo Nông nghiệp Việt Nam), website htx.cooplink.com.vn bằng hình thức cầm tay chỉ việc để tiêu thụ sản phẩm được nhiều kênh, nhiều phân khúc thị trường. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng quản lý, điều hành cho đội ngũ lãnh đạo HTX.

    Tiếp tục chuyển giao đồng bộ các giải pháp kỹ thuật như: Sản xuất theo quy trình GlobalGAP, VietGAP; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, cải thiện, chất lượng mẫu mã trái cây theo yêu cầu của bên nhập khẩu; đăng ký mã số vùng trồng (code) đối với các sản phẩm chủ lực của huyện; đăng ký nhãn hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với vú sữa tím, phát huy các giống vú sữa được công nhận cây đầu dòng, vườn đầu dòng. Phối hợp với các HTX chủ động xử lý ra trái vụ để rải vụ một số loại cây chủ lực. Nhân rộng giống vú sữa tứ quý (cho trái quanh năm), tím đào (trái lớn, vỏ cứng chắc thuận tiện cho vận chuyển, tồn trữ) hình thành vùng nguyên liệu cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Phối hợp với Công ty Green Powers xây dựng và vận hành Trung tâm thu mua và cung ứng nông sản an toàn huyện Kế Sách.

Vũ Bá Quan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 56
  • Hôm nay: 8140
  • Trong tuần: 78,847
  • Tất cả: 11,802,167